Để tạo cơ hội làm giàu và khẳng định vị thế kinh tế ‘cây chủ lực’ quê hương, Aforex Co.,LTD đang từng bước đưa thương hiệu Hoa hồi Lạng Sơn vươn ra thị trường quốc tế. Tín hiệu này chứng minh loài cây mệnh danh là ‘báu vật’ xứ Lạng đang phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương và gia tăng cơ hội làm giàu từ sản vật thiên nhiên, đưa ‘Hương hồi xứ Lạng’ bay xa.
Theo thống kê của Hiệp hội Gia vị thế giới, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia cung cấp sản lượng hồi lớn cho thị trường. Trong đó, Lạng Sơn hiện là tỉnh có diện tích và sản lượng hồi lớn nhất cả nước. Tính đến nay, tổng diện tích hoa hồi toàn tỉnh là gần 40.000 ha, trong đó, vùng hồi ở các huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng có diện tích trên 25.000 ha, chiếm 74,1% trong tổng số diện tích hồi toàn tỉnh.
Đặc trưng hoa hồi Lạng Sơn có hàm lượng tinh dầu cao, không có độc tố, mang lại giá trị kinh tế cao, cho ra các sản phẩm đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: Dược liệu, hương liệu, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ… Thống kê từ Chi cục Kiểm lâm Lạng Sơn cho thấy, năm 2021, tổng sản lượng hoa hồi khô toàn tỉnh đạt 16.045,9 tấn, đem lại nguồn thu khoảng 1.500 tỷ đồng cho hàng nghìn hộ trong tỉnh.
Hoa hồi – Báu vật xứ Lạng
Từ năm 2007, Hoa hồi Lạng Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chỉ dẫn địa lý và được Nhà nước bảo hộ. Đến năm 2020, Chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn tiếp tục được công nhận vào bảo hộ tại châu Âu. Điều này cho thấy tiềm năng và giá trị kinh tế cây ồi mang lại là rất lớn.
Tuy nhiên, hiện nhiều diện tích rừng hồi cho thu hoạch nhiều năm đang có năng suất và chất lượng chưa cao, khó đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của thị trường. Điều này đòi hỏi những thay đổi và cải tiến mới để nâng tầm phát triển bền vững.
Với mong mỏi “Hương hồi xứ Lạng” không chỉ được biết đến qua các ca từ lấp lánh của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính, mà còn làm sao để thương hiệu hoa hồi Việt Nam phát triển bền vững, bà Phạm Thị Giang đã thành lập Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông Lâm sản Lạng Sơn (Aforex Co.,Ltd). Aforex hiện là đơn vị tiên phong trên địa bàn tỉnh chuyên chế biến, xuất khẩu hoa hồi cũng như các sản phẩm từ hồi.
Gắn liền với hoa hồi hơn 30 năm, bà Giang luôn đau đáu nỗi lo xuất khẩu, làm sao để giúp người dân tộc Tày tiêu thụ hoa hồi với hiệu quả kinh tế cao. Để thực hiện mong ước đó, năm 2011, bà quyết tâm đầu tư công nghệ hiện đại vào chế biến các sản phẩm từ hoa hồi, bắt đầu làm từ vùng nguyên liệu.
Ban đầu, Aforex nghiên cứu các hoạt động bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Sau khi nắm bắt được xu hướng thị trường mới, công ty tập trung chuyển hướng sang phát triển hoa hồi và các sản phẩm hồi đạt chuẩn hữu cơ (organic).
Để xuất khẩu hồi đáp ứng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, Aforex đã làm việc trực tiếp với từng hộ canh tác để phổ biến những quy định bắt buộc, bao gồm việc không dùng phân hóa học, không phun thuốc, ủ hồi bằng hơi nước không dùng than củi, không sấy bằng lò củi…. Đảm bảo nghiêm ngặt những tiêu chuẩn này sẽ giúp hoa hồi có chất lượng cao hơn, sản phẩm ra vàng đều đẹp hơn, không nhiễm chất bảo quản hoặc chất độc hại.
Đến nay, thị trường tiềm năng tiêu thụ sản phẩm của Aforex đang là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Anh… và cả những thị trường nổi tiếng “khó tính” như Mỹ, Đức và các nước EU. Hàng năm, công ty xuất khẩu sang thị trường các nước hàng chục nghìn tấn hồi khô. Chỉ tính riêng trong năm 2014, doanh thu của Aforex đã đạt trên 80 tỷ đồng.
Nhờ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, Aforex đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động
Hoa hồi là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm. Bên cạnh hoạt động xuất khẩu, công ty đã tận dụng hồi dư thừa chế biến và cung cấp ra thị trường các sản phẩm muối ngâm chân, xà phòng, nước rửa bát làm từ hoa hồi. Tháng 6/2022, sản phẩm hoa hồi khô và tinh dầu hồi của Aforex chính thức đạt chứng nhận sản phẩm 4 sao OCOP.
Thời gian tới, sản xuất hữu cơ tiếp tục là hướng đi phù hợp xu hướng cũng như yêu cầu của những thị trường có sức tiêu thụ cao và nổi tiếng “khó tính”. Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Nielsen tại 60 quốc gia cho thấy, EU đang là thị trường lớn thứ 2 của sản phẩm chứng nhận organic. Khoảng 68% người tiêu dùng EU cho biết họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm hữu cơ.
Trong khi đó, năm 2021, nghiên cứu của Tổ chức Phát triển Hà Lan tại Việt Nam đã chỉ ra những ưu thế nổi trội của hồi Việt Nam bao gồm: Khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với giống cây chất lượng cao, sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền địa phương đối với phát triển nông – lâm nghiệp… Do đó, những doanh nghiệp như Aforex phát triển mạnh mẽ sẽ đóng vai trò chủ đạo trong chuỗi cung ứng, tạo mối liên kết với người nông dân và mở ra con đường sản xuất “sạch”, nâng tầm thương hiệu Hoa hồi Lạng Sơn.
Theo đại diện Aforex, ngoài Trạm dừng nghỉ Hoa hồi Lạng Sơn của công ty nằm trên tuyến đường quốc lộ 1A vào tỉnh hiện tại, đơn vị đang có dự định sẽ xây dựng thêm một vùng nguyên liệu. Dự kiến nơi đây sẽ được quy hoạch vừa là trạm dừng nghỉ, vừa là nơi trưng bày, giới thiệu và trải nghiệm giá trị hồi hữu cơ thông qua nhiều kênh phân phối, để ngày càng nhiều người Việt Nam tiếp cận các sản phẩm tiêu chuẩn quốc tế và thấy được giá trị khác biệt so với hàng hóa trôi nổi.
Để tiếp tục giúp sản phẩm hồi Lạng Sơn mở rộng ở những thị trường giàu tiềm năng khác, năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã có kế hoạch hỗ trợ đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn tại thị trường khó tính Nhật Bản. Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết những sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng Nhật Bản tin tưởng và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại quốc gia này.
Đây cũng là tín hiệu đáng mừng chứng minh “loài cây chủ lực” của tỉnh đang phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân và giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn. Với sự hỗ trợ của ngành khoa học và công nghệ, cũng như những nỗ lực quảng bá của Aforex, tin tưởng rằng Chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn sẽ sớm được công nhận tại Nhật Bản để “Hương hồi xứ Lạng” ngày càng “bay xa” hơn nữa.
(Theo BÁO MỚI)